Bài Chòi trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại
Theo thông tin từ Cục Di sản Văn hóa, vào ngày 7/12 tại Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 diễn ra tại Jeju, Hàn Quốc về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 12 của UNESCO, nghệ thuật bài chòi Trung Bộ Việt Nam đã chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Các anh chị Hiệu đang trình diễn Bài Chòi
Bài Chòi là một loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống đặc sắc của người dân các tỉnh Trung Bộ Việt Nam. Phạm vi gồm các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Bài Chòi được thể hiện dưới hình thức hội chơi Bài Chòi và trình diễn Bài Chòi với các loại hình âm nhạc, thơ, diễn xuất sân khấu, hội họa, văn học…
Anh chị Hiệu là tên gọi dành cho những người lưu giữ và thực hành nghệ thuật Bài Chòi. Trong các buổi trình diễn, anh chị Hiệu biểu diễn trên chiếu cói hoặc di chuyển từ nơi này đến nơi khác. Họ hát đối đáp về tình yêu quê hương đất nước, về sự gắn kết cộng đồng, những bài học đạo đức. Người tham gia sử dụng các thẻ bài khi chơi.
Hồ sơ Bài chòi của Việt Nam đã đáp ứng được 5 tiêu chí của UNESCO:
1. Nghệ thuật Bài Chòi là một hoạt động văn hóa quan trọng trong cộng đồng làng xã, đáp ứng nhu cầu giải trí và thưởng thức nghệ thuật của cộng đồng, được truyền dạy chủ yếu trong trong gia đình, làng xóm, hội, câu lạc bộ và trường học. Việc thực hành di sản Nghệ thuật Bài Chòi thúc đẩy sự bình đẳng về giới tính cũng như sự tôn trọng lẫn nhau giữa các cộng đồng.
2. Việc ghi danh Nghệ thuật Bài Chòi khuyến khích đối thoại giữa các cộng đồng, các nhóm người và cá nhân; tạo cơ hội trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm giữa những người thực hành, qua đó làm phong phú kiến thức và kỹ năng liên quan đến việc thực hành các hình thức nghệ thuật.
Nghệ thuật Bài Chòi thu hút khán giả ở mọi lứa tuổi
3. Hồ sơ đã mô tả chi tiết, rõ ràng những nỗ lực trong quá khứ và hiện tại để bảo vệ di sản và đảm bảo sự tồn tại của các cộng đồng, các nhóm người và các câu lạc bộ với sự hỗ trợ của Chính phủ. Những nỗ lực này bao gồm việc tổ chức các hội Bài Chòi, trình diễn và giảng dạy bải bản và kỹ năng ca hát, cũng như kỹ thuật trình diễn, phương pháp làm thẻ bài và các kỹ năng chơi Bài Chòi.
4. Cộng đồng tích cực đóng góp ý tưởng cho việc sưu tầm và tư liệu hóa di sản, điền vào các mẫu kiểm kê và tham gia vào tất cả các công đoạn chuẩn bị hồ sơ đề cử. Các cá nhân và đại diện của các nhóm và câu lạc bộ Bài Chòi đã ký Cam kết tự nguyện, đồng thuận của họ đối với đề cử, đồng thời, sự hiểu biết về việc xây dựng hồ sơ đề cử của họ cũng được thể hiện trong các đoạn ghi âm và ghi hình các cuộc phỏng vấn được thực hiện tại các địa phương có thực hành Bài Chòi.
5. Bài Chòi được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trong giai đoạn 2014-2016. Bản kiểm kê được lưu giữ tại Phần mềm Hệ thống thông tin quản lý di sản văn hóa phi vật thể của Cục Di sản văn hóa Việt Nam. Các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hóa và Thể thao của 9 tỉnh có Bài Chòi chịu trách nhiệm phối hợp với cộng đồng để báo cáo hàng năm về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch các thông tin kiểm kê di sản Bài Chòi. Viện Âm nhạc Việt Nam quản lý cơ sở dữ liệu về Nghệ thuật Bài Chòi và cập nhật hàng năm.
Việc UNESCO ghi danh Nghệ thuật Bài Chòi của Trung Bộ tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại một lần nữa khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của dân tộc Việt Nam, sự gắn kết cộng đồng, đề cao tôn trọng đa dạng văn hóa, khuyến khích đối thoại giữa các cá nhân, cộng đồng và dân tộc khác nhau.
Kha Trần