Cá chép hóa Rồng là tên của bức tượng được đặt tại khuôn viên cầu Tình Yêu, bên bờ sông Hàn. Hình ảnh cá chép vượt Vũ Long Môn hóa rồng là biểu tượng quen thuộc trong văn hóa dân gian, thể hiện ước mơ, sự kiên trì, quyết tâm vượt khó để thành công.
Đà Nẵng đã đặt bức tượng này ven sông, gửi gắm niềm tin và hy vọng của người dân về sự phấn đấu, nỗ lực để thành phố ngày càng phát triển, thịnh vượng.
Tượng được đặt tại trung tâm hình bát giác theo ý nghĩa phong thủy của người xưa. Biểu trưng cho sự may mắn vì tổng hòa của 8 yếu tố cơ bản từ vũ trụ là Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài.
Bức tượng có hình dạng đầu rồng, mình cá chép.
Đầu rồng được mô phỏng hình tượng con Rồng thời Lý. Có đường nét mềm mại nhưng vẫn giữ được vẻ mạnh mẽ, uy nghi.
Mình cá có đuôi uốn lượng với vảy cá được điêu khắc nổi tỉ mỉ, tinh tế. Đuôi cá chép được lấy ý tưởng từ hình ảnh đôi bàn tay đối xứng, ngửa lên trời. Mang ý nghĩa về sự hòa hợp và là lời cảm tạ của người dân thành phố với những đặc ân của tự nhiên.
Tượng cao 7,5 mét, nặng hơn 200 tấn, chỉ riêng phần đầu rồng đã có khối lượng lên đến hàng chục tấn. Đúc từ 5 khối đá cẩm thạch trắng tự nhiên được vận chuyển từ tận Quỳ Hợp – Nghệ An. Là một trong những loại đá quý hiếm, chất lượng cao, đường vân đẹp mắt.
Dưới bàn tay sáng tạo của những nghệ nhân tại làng đá mỹ nghệ Non Nước Đà Nẵng liên tục trong 3 tháng trời, bức tượng được hoàn thành đánh giá cao về mặt thẩm mỹ và xuất hiện trên rất nhiều tạp chí, tin tức du lịch. Tượng Cá chép hóa Rồng đã và đang trở thành một địa điểm tham quan, chụp ảnh thú vị của nhiều người dân và du khách.
Không chỉ làm đẹp cảnh quan Bến du thuyền, hình ảnh Cá chép hóa Rồng còn góp phần làm cho khu vực bờ Đông sông Hàn ngày càng nhộn nhịp du khách thưởng lãm, cùng với Cầu Rồng trở thành những biểu tượng du lịch của thành phố Đà Nẵng.